Trong Phật giáo người Cư sĩ (Kulapati) là người học Phật, hộ Đạo và hành Đạo tại gia. Cư sĩ Phật giáo tại gia không phân biệt giới tính nam hay nữ, nam Cư sĩ được gọi là Ưu Bà Tác (Upasaka), nữ Cư sĩ được gọi là Ưu Bà Di (Upasika). Tu tại gia là khó nhất vì Người Cư sĩ phải cùng một lúc phải thực hiện nhiều công việc: Đời – Đạo – Gia đình – Xã hội – Bản thân. Vì vậy người xưa mới có câu:
“Khó nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa“.
Đã có nhiều Tu Sĩ, Ẩn Sĩ, Khất Sĩ, Cư Sĩ Phật giáo bằng mọi phương tiện, cố đem Phật giáo đi vào cuộc đời hiện thực. Đây là một tiến trình rất quan trọng và cần thiết trong việc Phật sự hộ Đạo và hành Đạo. Phật giáo là đỉnh cao của minh triết và sự siêu phàm “vô thượng thậm thâm vi diệu pháp”, mọi chúng sinh có tấm lòng hướng đạo đều có thể bước đi trên con đường này một cách thanh thản và tự nhiên .
Cư sĩ tại gia là những người lái đò thầm lặng mang lý tưởng “vạn sự vô mong cầu” luôn mong cho hết thảy chúng sinh trên mọi chuyến đò nhanh chóng tới bờ “Giác ngộ và Giải thoát” trong tư tưởng Phật quả.
Nếu Tăng Ni Hoàng Pháp bằng kinh sách vào những buổi thuyết pháp thì người Cư Sĩ tại gia phổ biến Phật giáo trong người thân và quần chúng bằng chính cách sống cùng những lời thăm hỏi, chia sẻ và an ủi của mình; Không quản ngày đêm cứu chữa cho các chúng sinh bằng nhiều phương tiện thiện sảo khác nhau đã được nhập tâm từ quá trình tu tập, đây chính là những buổi thuyết pháp linh động của Cư Sĩ tại gia hộ Đạo và hành Đạo chân chính.
Khác hẳn với tất cả các hệ thống triết lý và tôn giáo trên thế giới; Đạo Phật, từ bản chất đến hiện tượng, vừa là một hệ thống triết lý mà cũng vừa là một hình trạng tôn giáo hoàn chỉnh với sự kết hợp hài hòa giữa tín điều và tín lý. Với đời Đức Phật là một vị Thầy hóa độ; trong đức tin, Đức Phật là một đấng Giác Ngộ Chứng Tri. Người theo Đạo Phật là những người luôn luôn tỉnh thức để luôn làm chủ được bản thân, không giao trọn số phận của mình cho sự định đoạt của một đấng quyền năng tuyệt đối nào cả. Tuy cùng là Phật tử, nhưng không ai giống ai hoàn toàn về mức độ thuần thành và sở đắc giáo pháp trong quá trình hộ đạo và hành đạo vì mỗi cá nhân còn phải tùy thuộc vào căn cơ, trí tuệ, hoàn cảnh… trùng trùng duyên nghiệp khởi và vọng động không ngừng của chính bản thân. Bởi vậy, không ai có thế “tu thay” hay “lãnh thế” nghiệp duyên của tha nhân như thường thấy trong các tôn giáo khác.
Dưới bóng cây Bồ Đề, người Cư sĩ Phật giáo là chiếc cầu nối giữa Tam Bảo và cuộc đời thường, giữa hàng xuất gia và quần chúng. Nhưng thế nào là chân dung của một người Cư sĩ Phật giáo điển hình và tiêu chí nào để thành người Cư sĩ? Đâu là sự khác biệt giữa một người Cư sĩ Phật giáo và một Phật tử bình thường?
Tươi trẻ, vô ngã là bản tính của người cư sĩ tại gia.
Hơn hai nghìn năm trước, Đức Phật mỗi khi truyền Giới Pháp hay dạy một hạnh tu cho Phật tử đều dặn dò: “Người tu tại gia giữ được rất khó vì nhiều nhân duyên ràng buộc.” (Theo Kinh Ưu Bà Tắc). Nhiều khi cái khó không xuất phát tự nó hoặc do hoàn cảnh cuộc sống tác động mà từ những khái niệm và định kiến do người ta mặc lên cho nó. Người cư sĩ tại gia cùng một lúc phải dấn bước trên hai con đường khác biệt Đời và Đạo. Hai con đường này luôn gặp chông gai và nhiều cám dỗ, nếu luôn biết tỉnh thức, vạn sự vô thường, sẽ đạt đến quả vị Phật “Giác ngộ và giải thoát” nhanh nhất.
Trong Pháp tu Kim Cương Đại Thừa Mật tông Tây Tạng, khi người cư sĩ tại gia được một vị Thầy (Guru) đáng kính thâu nhận là đệ tử, người ấy sẽ được quy y Tứ Bảo (Thầy – Phật – Pháp – Tăng), được chỉ dẫn các pháp tu bí truyền để trợ giúp cư sĩ trong tu tập và thực hành Giáo Pháp. Giáo lý Mật Tông nói rằng: “Nếu không có vị Thầy truyền thừa, chỉ giáo, Phật tử tìm đến Phật quả như mò kim dưới đáy biển”. Vì vậy, người Thầy (Guru) được coi trọng hàng đầu và cũng phải là người gương mẫu nhất trong mọi phương diện. Người Thầy đó có thể là tu sĩ nhưng đôi khi lại hiện thị là những ẩn sĩ trong hang động, khất sĩ đi trên đường hoặc cư sĩ tại gia sống giữa đời thường.
Cứ tết đến xuân về, Viện I.B.V chúng tôi phát gạo tình nghĩa cho các hộ nghèo ngay trước cổng Viện như thế này
Phật tử là người đã được quy y Tam Bảo nhưng chưa được thọ nhận các phương tiện tu tập thiện xảo từ một vị Thầy. Khi tụng kinh niệm Phật họ luôn để quyển kinh trước mặt, vì vậy năng lực của họ chưa được như các Cư sĩ tại gia truyền thừa.
Đã có một thời Phật giáo bị nhìn một cách lệnh lạc, hoặc là một Phật giáo quá cao siêu với Tam Tạng kinh điển cùng tám mươi tư ngàn pháp môn vi diệu với những công án – mây trời ngũ sắc tận đâu đâu; tệ hơn nữa là một Phật giáo đầy mê tín với bùa chú, trống đánh kèn thổi để yểm trừ ma quỷ. Hình ảnh đạo Phật lệnh lạc đó không ít thì nhiều, vẫn còn để lại những dấu vết trong thời hiện tại bởi số một số chúng sinh luôn tham vọng, vọng tưởng và thiếu kiến thức. Người cư sĩ tại gia chân chính khi hộ Đạo và hành Đạo chỉ có một nguyện ước duy nhất : “Chỉ xin luôn là một người bình thường, đi giữa đời thường được mang lý tưởng Bồ Tát.”
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Viện trưởng – Chuyên gia cảm xạ học
Nguyễn Ngọc Sơn – Cư sĩ Rangxi Zanpo