Để có được đường duyên hành Bồ Tát đạo trong kiếp sống hiện tại không phải dễ dàng cho mọi thế nhân. Những người có được phẩm hạnh này, thực chất họ đã trải qua tu tập rất nhiều kiếp của thời quá khứ và trong thời hiện tại. Họ là những con người phấn đấu thầm lặng, tự tu sửa thân tâm không ngừng nghỉ, hành động thuận lẽ âm dương và sẽ là người đạt đến đỉnh cao tư tưởng Phật giáo “Giác Ngộ và Giải Thoát”.
Có người sinh ra đã có trí tuệ hơn người, có người lọt lòng mẹ đã phải gánh chịu dị tật, có người lam lũ cả đời vẫn không đủ ăn, có người mới trẻ tuổi đã hồng danh, phú quí, có người học hoặc tụng kinh Phật lại buồn ngủ, có người đam mê Phật Pháp quên cả ăn uống. Mọi hiện tượng đều là kết quả của sự vận động trưởng dưỡng thân tâm không ngừng của từng cá thể. Con người là trung tâm của Vũ trụ, chính vì vậy luôn bị tác động bởi các lực hấp dẫn và li tâm. Khi thân tâm yếu mềm, con người sẽ bị các ngoại lực chi phối, khiến tâm vọng động, thui chột lý trí dẫn tới nhiều sai phạm nghiêm trọng. Nhãn tiền chúng ta đã thấy, mọi tham vọng, ghanh ghét, đố kỵ, sân hân, si mê…đều đưa chúng sinh tới bờ hung họa, không lối thoát, tự rời xa người thân, bạn bè, bản quán. Tuy biết kết cục sẽ như vậy, nhưng phàm nhân vẫn cứ “tặc lưỡi” hoặc bảo thủ làm liều, khi gặp họa rồi thì than “trời không có mắt”.
Với cư sĩ tại gia, những khái niệm trên dường như được tự tháo bỏ rất nhẹ nhàng theo quá trình tiến tu của mình. Học ở đời, học ở đạo, học từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội và ngược lại. Người cư sĩ tại gia luôn lắng nghe, bình tĩnh giải quyết công việc, gỡ rối nhẹ nhàng mọi mâu thuẫn, bình thản trước mọi cám dỗ. Càng tu tập, người cư sĩ tại gia càng tinh tấn thân tâm, trí tuệ ngày một trưởng dưỡng, thân tâm an lạc để từ đó khai mở các khả năng tiềm ẩn trong cơ thể và tiếp thông được với các bậc “Chính Đẳng, Chính Giác” lúc nào không hay.
Phàm nhân thường ham muốn học được thật nhanh, tốn ít thời gian nhưng phải có “thần thông” tức thì, bởi mục đích chính của họ là làm sao kiếm được nhiều “ngân xuyến” và tên tuổi phải được nhiều người biết tới để vênh vang với đời. Họ thường tự tung hô mình bằng nhiều hình thức khác nhau. Những con người này thường có tính ích kỷ, hẹp lòng, ganh gét, đố kỵ, nói hai lời, không kiên trì, tính tình nóng nảy, bảo thủ, hiếu thắng.
Tu để làm gì?
Trong giáo lý Phật giáo, tu là để tự sửa chữa mọi khuyết điểm tồn đọng trong thân – tâm, xả bỏ sân hận, đố kỵ, tham vọng, ganh ghét, tu tập để tích tụ trí tuệ, tình thương, lòng vị tha, diệt trừ bản ngã. Mục đích của Đức Thế Tôn hướng chúng sinh trong các pháp tu là để tiến đến “Giác Ngộ” những đều vì u minh mà chưa biết, chưa nhìn nhận ra lẽ phải nhằm “Giải Thoát” toàn bộ hệ thống tư tưởng nhỏ bé, eo hẹp trong đời sống thường nhật.
Hãy luôn đưa tin thương yêu đến mọi người (tấm lòng vàng 2015)
Trong kinh A-hàm, phẩm cúng dường, Đức Phật dạy: “Dạy người không sát sanh, không trộm cắp, không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, cãi lộn, không giận dữ, tà kiến, đố kỵ, si mê”. Đức Phật lại dạy: “Chín đức của sự cúng dường: người thí có ba hạng, vật thí có ba dạng, người nhận vật thí thành tựu ba pháp”. Người nhận vật thí phải hội đủ giới đức, chánh định và trí tuệ mới thành tựu phước báo cho mình và cho người. Nếu người cư sĩ không trưởng dưỡng thân tâm, không xả bỏ tham đắm, lợi dưỡng thì không thể tu tập giải thoát tự thân được mà ngược lại sẽ hướng tâm đến dục lạc, tham đắm không giữ được tâm giải thoát như ban đầu.
Người cư sĩ hành Bồ Tát đạo luôn sống có trước sau, tôn trọng lễ nghĩa, âm thầm và lặng lẽ, luôn hướng tâm sống thiện, sống có ích, lợi cho những người xung quanh, cho chính mình và gia đình. Đó là những hình ảnh đẹp, cao quý, đáng được chân trọng.
Pháp “Thiểu dục tri túc” mà Phật đã dạy cho người xuất gia và các cư sĩ tại gia không vướng mắc vào lợi dưỡng. Người tu tập luôn thực hành quán tưởng về lợi dưỡng, thu thúc lục căn, đoạn trừ phiền não, duy hướng thân tâm đến con đường giác ngộ và giải thoát. Cuộc đời của thế nhân đã khổ vì tham cầu, người cư sĩ tại gia phải vượt qua cái khổ thế nhân để thăng hoa tiến đến đạo quả mong ước. Quán niệm lợi dưỡng chỉ là phương tiện, các pháp do duyên sinh cũng do duyên diệt, thấu hiểu được điều đó người cư sĩ sẽ không còn vướng bận nhiều vào lợi dưỡng. Như vậy tâm của người tu sĩ sẽ nhẹ bớt đi một trong những phiền não ở thế gian.
Người cư sĩ tại gia muốn đạt được nguyên ước “Xin là một người bình thường đi giữa đời thường, chỉ xin được mang lý tưởng Bồ Tát” là một việc làm rất khó khăn, không đơn giản. Đòi hỏi các cư sĩ tại gia phải luôn học hỏi, trau dồi kiến thức từ các bậc tiền bối để tăng trưởng trí lực và phẩm hạnh, không lùi bước trước mọi hoàn cảnh, khó khăn, luôn lấy đạo nghĩa làm trọng, xả thân vì lý tưởng Bồ Tát.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Viện trưởng – Chuyên gia cảm xạ học
Nguyễn Ngọc Sơn – Cư sĩ Rangxi Zanpo
(Còn nữa)