MA CHƯỚNG TRONG TU TẬP LÀ GÌ?

I. NỘI MA VÀ NGOẠI MA.

Tham lam, tự kiêu, ganh tỵ, ghét bỏ, sân hận, dục vọng, thèm khát, đố kỵ, đặt điều, hãm hại được gọi là “ma chướng”. Trong quá trình tu tập, “ma chướng” sẽ xuất hiện nếu hành giả không an trụ thân – tâm. Ma và Ác là một bộ phận của tự nhiên; nếu thiện ác hòa làm một, mỹ nữ tức là ta, nam nữ hòa hợp, chính như thiền sư Lục Tổ Thiền Tông đã nói: “Bản lai vô nhất vật, hà sứ nhạ trần ai.” (Vốn không có vật nào, bụi bặm bám vào đâu?).

“Ma” có nhiều loại trong cuộc sống thường nhật, trong từng con người và cư sĩ Phật giáo tu tại gia. thông thường được chia thành 4 loại:

  • Thân uẩn ma: Da thịt của chính mình là “ma”, tất cả đau khổ, phiền não đều từ thân thể mà ra; nếu không có thân thể, sẽ không có đau khổ và phiền não.
  • Tử vong ma: Bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời con người là chết đi, nếu không phải do cái chết uy hiếp thì sự nghiệp của rất nhiều người sẽ đạt thành tựu.
  • Thiên tử ma: Thuộc vào một loại “ma” bên ngoài.
  • Phiền não ma: Phiền não chính là tâm tham lam, tâm cáu giận, tâm ngu muội, tâm kiêu ngạo, tâm hoài nghi; tất cả những thứ đó đều là ma của tự thân, từ trong tâm khởi sinh chứ không phải ngoài thân.

Tất cả “ma” đều xuất phát từ tâm mà ra; nếu tâm không có “ma”, mọi “ma chướng” bên ngoài không thể xâm nhập và làm tổn hại được bên trong của thân và tâm. Khi nội tâm khởi “ma”, “ma” ngoại giới mới phát huy được tác dụng. Chữ “ma” ở đây là cái mà con người không nhìn thấy, không có trọng lượng, không mốc giới và không kiểm soát được; “ma” hàm ý là phần âm, là bóng tối, đêm đen mù mịt, vướng vào nó như ruồi muỗi dính vào mạng nhện không lối thoát.

1. Nội ma – ma trong tâm:

Con người từ khi lọt lòng mẹ ai nấy đều rất vô tư, hồn nhiên, ung dung và tự tại. Trưởng thành theo năm tháng tố chất này dần dần mất đi bởi sự giáo dục trong gia đình, nếp sống, sinh hoạt, hoàn cảnh cuộc sống; đồng thời phát sinh trong mỗi con người các bản năng sống tự vệ, ích kỷ, tham lam, hẹp hòi và bản ngã trỗi dậy. Khi bản ngã trở thành thống soái trong tâm, nội ma bùng phát; lúc này con người từ vô tư sẽ biến đổi thành ích kỷ, hồn nhiên thành hẹp hòi, ung dung thành tự vệ, tự tại biến thành bản ngã sôi động.

Tam độc trong Phật giáo, nói về 3 trạng thái tinh thần có hại: ngu si, tham lam, sân hận.

2. Ngoại ma – ma ngoài thân:

“Ngoại ma” là những thứ phù phiếm, xa hoa, lộng lẫy được hình thành từ tham vọng của các bộ phận trên cơ thể để cảm nhận mọi liên quan của: “Sắc, Hương, Vị, Thính, Ái, Dục”. Cảm nhận này càng dâng lên cao, lòng tham càng phát triển, thú tính và bản ngã bừng trỗi dậy; lúc này ngoại ma sẽ “vô tư” xâm nhập vào cơ thể. Sự hòa quyện “thông suốt” của “nội ma” và “ngoại ma” sẽ đưa con người từ bản chất tốt đẹp biến thành cái “tôi” và đi xa hơn nữa có thể trở thành ác thú. Lúc này con người không thể làm chủ bản thân mình được nữa; mọi lời khuyên, sự giúp đỡ của người thân, trong gia đình, bè bạn đều không còn tác dụng; họ cứ trôi theo dòng cuốn của “ma lực chướng” đó và tự đánh mất mình, đánh mất cái hồn nhiên, tự tại của tự tính mà vẫn không thể nào nhận biết được.

II. PHƯƠNG PHÁP LOẠI TRỪ MA CHƯỚNG.

Khi ma nội và ma ngoại đã ăn sâu gốc rễ vào tâm của hành giả nó sẽ biến chuyển thành nghiệp chướng ở kiếp hiện tại; nghiệp chướng hiện hình đồng nghĩa với nghiệp báo phát sinh; nghiệp chướng càng lớn nghiệp báo càng nặng nề, nó kéo dài hết kiếp này sang kiếp khác, từ đời này qua đời kế tiếp, từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia tộc, nó cứ thế tồn tại cho tới khi con người nhìn nhận thấy rõ ma chướng. Nghiệp báo và nghiệp chướng sẽ giảm dần theo từng sát na tùy thuộc vào từng mức độ tu tập sám hối nhận lỗi, sửa bỏ khuyết điểm của hành giả. Các Cụ có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” cũng là từ chân lý tối thượng của Phật Đà “Khởi nghiệp chướng ắt gặp nghiệp báo.”, “ Tạo nghiệp chướng kiếp trước ắt gặp nghiệp báo kiếp sau” là như vậy đó.

1. Phương pháp tự tu, tự sửa chữa:

Phương pháp tự tu sửa này giúp con người và các cư sĩ tại gia đạt được hiệu quả và chứng ngộ nhanh nhất. Đây là sự thách thức, đòi hỏi lòng quyết tâm, đấu tranh gạt bỏ, dám nhìn thẳng vào sự thực khó khăn nhất; cũng có thể gọi phương pháp này là: “ Tâm soi tâm”.

2.  Phương pháp luyện tập hỗ trợ:

Phép tự tu không phải dễ dàng cho các hành giả, đòi hỏi phải có tính kiên trì và nghiêm khắc với bản thân. Muốn đạt được kết quả như mong đợi cần thực hiện một số phương pháp luyện tập phụ trợ sau đây:

  • Luyện cân bằng âm dương trong cơ thể: Khi cơ thể không cân bằng âm dương sẽ gây xáo trộn năng lượng sinh học từng khu vực trong cơ thể (thiếu dương hoặc thiếu âm) gây ảnh hưởng đến sự quyết tâm và an trụ tâm của mình.
  • Luyện Thiền động: Nhằm kích hoạt các khu vực đang bế tắc của trong cơ thể, khai thông dòng chảy năng lượng sinh học của bản thể, kích hoạt lưu thông khí huyết, khai mở các huyệt đạo, các luân xa giúp cho sự tu tập được nhanh chóng.
  • Luyện Thiền tĩnh: Đây là bài luyện tập khó, không đơn giản bởi người tu phải tự nhìn nhận và tự “soi gương” nhìn nhận sáng suốt và khách quan những “vẩn đục và uế tạp” của từng khu vực trên cơ thể. Luyện thiền tĩnh nhằm nhấn chìm các “uế nhiễu cuộc đời” sâu xuống “đáy lòng” không cho chúng có cơ hội trỗi dậy, các “uế nhiễu cuộc đời” này sẽ dần tan biến theo thời gian tu tập của hành giả.
  • Hòa đồng năng lượng với thiên nhiên: Con người và thiên nhiên có tác động qua lại với nhau rất khăng khít, năng lượng từ thiên nhiên có ảnh hưởng lớn tới đời sống con người. Vì vậy hành giả cần phải luyện tập phương pháp “Hấp thụ, trao đổi năng lượng tinh khí cùng thiên nhiên”. Những bài tập này sẽ giúp hành giả trao đổi năng lượng tinh túy của cơ thể mình với thiên nhiên một cách dễ dàng nhất nhằm tái tạo, cân bằng, thiết lập và tích lũy năng lượng sinh học trong quá trình tu tập của mình.

III. NHẬN ĐỊNH:

Mọi hành vi của con người trong đời người đều tích tụ theo năm tháng. Có nhiều hành vi tốt sẽ có nhiều phước báu và ngược lại. Phước báu càng dày, gia đình càng hưng thịnh và hạnh phúc; phước báu mỏng hoặc luôn tạo nghiệp báo, gia đình luôn gặp chắc trở, loạn luân…….
Nghiệp chướng do chính con người tạo ra; sẽ không bị hoàn cảnh bên ngoài tác động nếu con người luôn an trụ thân – tâm, luyện tập thường hằng để bản ngã trở về tánh không và luôn nhìn nhận sự vật một cách vô thường.

Viện trưởng – Chuyên gia cảm xạ học
Nguyễn Ngọc Sơn – Cư sĩ Rangxi Zanpo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!